Nguồn gốc tên gọi Cái_Răng

Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Tuy nhiên, trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer "karan" nghĩa là "cà ràng" (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành Cái Răng.

Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn. (Vương Hồng Sển)